Tin thủy sản Brachionus calyciflorus: Thức ăn tiềm năng trong sản xuất giống cá nước ngọt

Brachionus calyciflorus: Thức ăn tiềm năng trong sản xuất giống cá nước ngọt

Author ThS Phạm Thị Lam Hồng, publish date Wednesday. January 2nd, 2019

Brachionus calyciflorus: Thức ăn tiềm năng trong sản xuất giống cá nước ngọt

Sử dụng luân trùng làm thức ăn cho cá bột ở giai đoạn đầu góp phần nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình sản xuất giống cá nước ngọt.

Vai trò luân trùng nước ngọt

Trong các hệ thống nuôi thủy sản nước ngọt, luân trùng là thức ăn trực tiếp của nhiều loài cá bột. Số loài luân trùng có khả năng sử dụng làm thức ăn ở ao nuôi cá dao động khoảng hơn 10 loài, trong đó chủ yếu thuộc giống Brachionus. Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu đối với loài luân trùng nước lợ B. plicatilis (từ những năm của thập kỷ 60). Tuy nhiên, các nghiên cứu và ứng dụng của luân trùng nước ngọt còn rất hạn chế do kỹ thuật sản xuất giống nước ngọt theo hình thức truyền thống là gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao. Một số loài luân trùng nước ngọt đã được gây nuôi sinh khối như: B. angularis, B. rubens, B. calyciflorus, B. falcatus… Trong đó B. angularis được tập trung nghiên cứu nhiều nhất (Trần Sương Ngọc và Vũ Ngọc Út, 2011).

Ưu điểm của Brachionus calyciflorus

Brachionus calyciflorus là luân trùng nước ngọt chiếm ưu thế trong ao. Chúng được coi là loại thức ăn tươi sống quan trọng cho nhiều loài cá bột. Ưu điểm của luân trùng là loài có kích thước nhỏ dao động khoảng 180 - 220 micromet phù hợp với cỡ miệng của cá bột trong giai đoạn đầu tiên. Tốc độ bơi của luân trùng khá chậm nên cá bột có thể dễ dàng bắt mồi. Ngoài ra, chúng còn có khả năng phân bố đều trong tầng nước phù hợp với khả năng vận động kém của cá bột. Không những thế, luân trùng còn có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể nuôi sinh khối ở mật độ cao đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Thành phần dinh dưỡng của B. calyciflorus khá cao (Arak, 2013), dễ tiêu hóa và có chứa một số loại enzyme. Hàm lượng protein chiếm 77,8 + 1,6%, hàm lượng lipid chiếm 15,7 + 7,5%, hàm lượng carbohydrate chiếm 27,8 + 0,7%. Ngoài ra, chất lượng dinh dưỡng của luân trùng phụ thuộc nhiều vào thức ăn, vì vậy, chúng ta có thể điều chỉnh thành phần dinh dưỡng của luân trùng thông qua phương pháp cường hóa. Luân trùng có khả năng hấp thu và tích lũy HUFA rất cao. Theo Olsen, luân trùng có thể hấp thu 86% lượng HUFA có trong thức ăn.

Trong điều kiện thuận lợi, luân trùng có hình thức sinh sản vô tính. Con cái có thể tạo liên tục 7 trứng, sau 12 tiếng thì trứng nở thành con cái mới. Con cái bắt đầu mang trứng 18 tiếng sau khi nở và tiếp tục đẻ trứng trong khoảng hơn 7 ngày. Vì thế, sinh khối luân trùng có thể đạt rất cao trong thời gian ngắn. Thức ăn của luân trùng là các loài vi tảo nước ngọt có kích thước khoảng 3 - 10 micromet như Scenedesmus, Chlorella… Ngoài ra, thức ăn của luân trùng còn có thể là các loài vi khuẩn hay nấm men bánh mỳ.

Quy trình

Tạo giống gốc: Luân trùng được thu từ thủy vực tự nhiên bằng lưới thu động vật phù du. Loại bỏ Cladocera và Copepode bằng lưới 300 micromet để thu riêng biệt luân trùng. Theo Arimoro (2006), có thể phân lập luân trùng bằng cách sử dụng hóa chất diệt ký sinh trùng ở hàm lượng 0,25 mg/l để loại bỏ Cladocera và Copepode, với liều lượng này luân trùng không bị chết. Luân trùng sau khi phân lập được lưu giữ trong các ống nghiệm 50 ml và cho ăn tảo tươi cô đặc. Tùy theo kế hoạch sản xuất, luân trùng giống được nhân lên theo thể tích tăng dần.

Nuôi sinh khối

Nuôi thu toàn bộ (batch cultue): B. calyciflorus có thể phát triển tốt ở khoảng nhiệt độ từ 20 đến 310C, đạt mật độ cao nhất ở 280C. Khoảng pH thích hợp cho luân trùng là 6 - 8. Mật độ ban đầu khoảng 10 - 30 cá thể/ml, thức ăn là vi tảo nước ngọt, mật độ cực đại đạt 453 + 43 cá thể/ml sau 7 ngày nuôi (Ahmadifard và cs, 2007). Khi mật độ luân trùng đạt cực đại có thể thu hoạch toàn bộ bể nuôi. Theo Park và cộng sự (2001), có thể nuôi B. calyciflorus đạt mật độ cao sử dụng thức ăn là tảo Chlorella cô đặc. Mật độ luân trùng đạt 8.600 cá thể/ml.

Nuôi bán liên (Semi-continuous culture): Nuôi cấy tương tự như phương pháp trên, khi luân trùng đạt đến cuối pha tăng trưởng, tiến hành thu hoạch hàng ngày khoảng 20 - 30% thể tích bể nuôi, sau đó cấp lại nước và thức ăn như thể tích ban đầu.

Hiệu quả

Nhằm nâng cao tỷ lệ sống cho cá bột trong giai đoạn ăn đầu tiên, loài B. calycifrous đã được thử nghiệm làm thức ăn cho một số loài cá bột có giá trị kinh tế. Năm 1997, Lim và Wong đã sử dụng B. calyciflorus để ương cá cảnh nước ngọt. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của cá giống đạt từ 65,1 đến 74,5%. Kết quả nghiên cứu của Awaiss (1998) cho thấy, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá trê (Clarias gariepinus) đạt cao nhất khi sử dụng B. calyciflorus làm thức ăn trong 7 ngày ương đầu tiên. Năm 2005, Arimoro cũng đạt kết quả tương tự khi ương cá trê phi (Clarias anguillaris).

Hướng nghiên cứu trong tương lai

Trong bối cảnh nhu cầu con giống đang gia tăng đặc biệt là cá tra, các đối tượng nuôi đặc sản được ương nuôi thâm canh trong bể thì các nghiên cứu về luân trùng nước ngọt càng trở nên quan trọng giúp cải thiện tỷ lệ sống trong giai đoạn từ cá bột lên cá hương. Áp dụng các thành tựu khoa học đã nghiên cứu đối với luân trùng nước lợ cho luân trùng nước ngọt là một hướng đi cần thiết, cụ thể như ứng dụng các hệ thống nuôi sinh khối tiên tiến để luân trùng nước ngọt đạt mật độ cao. Ngoài ra, cần có thêm các nghiên cứu về phương pháp tăng cường giá trị dinh dưỡng cho luân trùng nước ngọt.

>> Với lợi thế kích thước nhỏ, luân trùng là thức ăn lý tưởng trong giai đoạn ăn đầu tiên của nhiều loài cá có giá trị kinh tế như: cá tra, cá bống tượng, cá chạch lấu… Tuy nhiên, việc nuôi sinh khối luân trùng nước ngọt làm thức ăn ương cá bột chưa được chú trọng. Hầu hết các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào luân trùng nước lợ (B. plicatilis), phục vụ cho sản xuất giống cá biển.

Khoa thủy sản - Học viện nông nghiệp Việt Nam


Nuôi loài cá Nuôi loài cá "nhát chết", khó về con… CPTPP: Thủy sản có nhiều cơ hội? CPTPP: Thủy sản có nhiều cơ hội?