Tin thủy sản CPTPP: Thủy sản có nhiều cơ hội?

CPTPP: Thủy sản có nhiều cơ hội?

Author Nguyễn Anh, publish date Friday. December 28th, 2018

CPTPP: Thủy sản có nhiều cơ hội?

Cuối tháng 11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan được ký ngày 8/3/2018. Đây được đánh giá là một bước tiến mới của nền kinh tế Việt Nam.

Xuất khẩu vào CPTPP là mục tiêu hàng đầu của thủy sản Việt Nam 

Kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 4,04% vào năm 2035, song Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực nhập khẩu không nhỏ khi dự kiến tổng kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng 3,8%. Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh xuất khẩu trong đó có thủy sản là bắt buộc với nền kinh tế Việt Nam.

Lợi thế cần tận dụng

Các chuyên gia trong nước đánh giá, việc các đối thủ lớn của Việt Nam trong xuất khẩu cá ngừ như Trung Quốc và Thái Lan không tham gia vào CPTPP nên các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có lợi thế để phát triển ở các thị trường mới và tiềm năng như Canada, Peru.. trong nhiều năm tới. Xuất khẩu tôm vào các nước Thái Bình Dương sẽ hứa hẹn tăng trưởng lớn do đối thủ chính của Việt Nam là Ấn Độ không tham gia CPTPP, trong khi đó mặt hàng tôm Việt Nam sẽ được giảm thuế và nếu cắt giảm thuế từ 2 - 10%, các mặt hàng thủy sản Việt Nam sẽ đến với người tiêu dùng với một giá cả hấp dẫn.

11 nước thành viên CPTPP, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chilê, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam hàng năm vẫn nhập khẩu hàng tỷ USD sản phẩm thủy sản, Hiệp định hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư trong khối, giúp cho đầu tư nuôi trồng chế biến thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng chế biến tiêu thụ cũng giúp hình thành một thị trường tiêu thụ nông sản chất lượng hơn, hấp dẫn người tiêu dùng.

Thách thức

CPTPP là một thị trường thực sự thu hút các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi năm 2017 xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào khối này đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Song Nhật Bản vẫn là thị trường chủ chốt, các thị trường khác hiện vẫn còn được khai thác ở một chừng mực khá khiêm tốn.

Nhìn chung, xuất khẩu vào CPTPP vẫn là mục tiêu hàng đầu của thủy sản Việt Nam vì hiện nay xét về tỷ trọng, xuất khẩu thủy sản vào CPTPP vẫn chiếm 24,7%. Mặc dù vào phút cuối, Mỹ đã không tham gia Hiệp định này nhưng tổng kim ngạch thương mại trong khối vẫn vượt 10.000 tỷ USD, do vậy CPTPP là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Hơn nữa, việc Mỹ không tham gia CPTPP cũng giảm sức ép nhập khẩu từ Mỹ vào khối này.

Song, việc tham gia CPTPP được đánh giá là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. CPTPP là một hiệp định thương mại tự do “tiêu chuẩn cao”, vì nó không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước… Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý ngành thủy sản sẽ phải hiện đại hóa quá trình quản lý điều hành, đầu tư… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản phục vụ cho toàn bộ thị trường trong Hiệp định. Về phía các doanh nghiệp, phải minh bạch hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc.

Cơ hội cho người nuôi trồng

Việc tham gia Hiệp định CPTPP, mở rộng xuất khẩu sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người nông dân. Ngoài việc minh bạch về nguồn gốc tôm nguyên liệu, CPTPP có thể buộc các doanh nghiệp phải đầu tư hơn nữa vào vùng nuôi, đầu tư cho người nông dân phục hồi phát triển sản xuất, thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác. Lợi nhuận nhờ đó cũng chia đều cho nhiều khâu, từ nuôi trồng đến chế biến.

Cùng đó, CPTPP có thể tạo ra áp lực nhập khẩu lên nhiều ngành sản xuất, nhưng với ngành thủy sản vốn luôn xuất siêu thì có thể nói CPTPP là một bước đi vững chắc, giúp mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam vốn chưa ký các hiệp định và vẫn chiếm một thị phần rất nhỏ. Các thị trường như New Zealand, Australia, Canada, Mexico… đều hứa hẹn sẽ đón nhận nhiều sản phẩm nuôi trồng chất lượng của người nông dân Việt Nam trong thời gian tới. 

>> Trong bối cảnh nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản thế giới đang phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh quyết liệt, việc tham gia vào CPTPP được xem là cánh cửa thuận lợi để cho sản phẩm thủy sản Việt Nam đi vào các thị trường khó tính với rất nhiều lợi thế.


Brachionus calyciflorus: Thức ăn tiềm năng trong sản xuất giống cá nước ngọt Brachionus calyciflorus: Thức ăn tiềm năng trong sản… Nuôi cá hồi có lãi từ lứa đầu Nuôi cá hồi có lãi từ lứa đầu