Nuôi bò Cách ủ chua lá sắn

Cách ủ chua lá sắn

Author Kiều Minh Khuê, publish date Thursday. January 7th, 2016

Cách ủ chua lá sắn

Ủ chua là biện pháp bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí. Nhờ hệ vi sinh vật lên men, tạo ra a xít lactic và một lượng nhất định các a xít hữu cơ khác.

Qua quá trình ủ chua hàm lượng độc tố acid cyanhydric (HCN) có trong lá sắn sẽ bị giảm đi chỉ còn 32 - 34 mg/kg (theo tiêu chuẩn quốc tế giới hạn cho phép không được quá 57 mg/kg).

Do vậy khi cho gia súc ăn rất an toàn. Lá sắn ủ chua còn kích thích cho hệ thống tiêu hoá của trâu bò tốt hơn.

1. Công thức ủ chua:

Lá sắn tươi 100kg, Cám gạo hoặc bột sắn, bột khoai: 5 kg (ở những nơi có điều kiện tốt nhất dùng khoảng 04 kg rỉ mật đường), Muối ăn: 0,5kg

2. Vật liệu dùng để ủ:

Có thể dùng túi Nilon, bể xây, đào hố trong đất, thùng phi để ủ. Hố ủ có thể hình vuông, chữ nhật, hoặc hình tròn (tốt nhất nên dùng hố ủ hình tròn để tránh các góc cạnh khi ủ sẽ nén được chặt thức ăn).

Hố ủ hoặc bể ủ cần phải sạch sẽ, chắc chắn ở nơi cao ráo, thoát nước đảm bảo không cho nước, không khí ngấm, lọt vào hố ủ sẽ làm hỏng thức ăn ủ chua.

3. Cách tiến hành:

Lá sắn lấy về phơi nhẹ trong bóng râm (cứ 2 giờ cần đảo 1 lần để lá héo đều), dùng máy phay hoặc băm thành đoạn dài 10 - 15cm. Sau đó trộn đều với cám và muối ăn. Sau khi trộn xong ta tiến hành ủ chua.

- Ủ bằng hố ủ: Dưới đáy hố ủ rải một lớp rơm dày khoảng 10 - 15cm, lót một lớp lá chuối và cuối cùng là túi Nilon tránh cho đất, cát lẫn vào thức ăn và để cho quá trình lên men yếm khí được tốt hơn.

Sau khi đã chuẩn bị xong hố ủ ta bắt đầu cho thức ăn ủ chua vào trong hố ủ thành từng lớp dày 10 - 15cm, cho thức ăn đến đâu dậm nén chặt đến đó và rắc đều lên trên mỗi lớp một lượt cám và muối ăn.

Cứ làm như vậy cho đến khi thức ăn đầy hố ủ.

Rắc một lớp cám và muối trên cùng tạo cho quá trình nên men được tốt nhất. Sau đó buộc chặt túi Nilon lại, rải một lớp rơm từ 10 - 15cm trên bề mặt, lấp đất kín hố ủ và che đậy tránh không cho nước mưa vào trong hố ủ.

- Ủ bằng túi Nilon: Sau khi thức ăn đã được chuẩn bị xong cho thức ăn vào trong túi ủ, vừa cho vừa nén cho thật chặt giống như cho thức ăn vào hố ủ, tránh làm rách túi Nilon.

Nếu túi bị rách quá trình lên men Lactic sẽ bị trở ngại quá trình ủ chua sẽ không thành công. Sau khi thức ăn ủ chua đầy túi ủ ta cũng rắc một lớp cám mỏng và muối trên cùng, buộc chặt miệng túi lại và cất thức ăn ủ chua vào trong chỗ râm mát.

4. Thời gian ủ:

Mùa hè: sau khi ủ từ 7 - 10 ngày, mùa đông 10 - 15 ngày có thể lấy thức ăn ủ chua ra cho trâu bò ăn. Thức ăn ủ chua thành công sẽ có màu vàng và thơm như dưa cải muối.

Thời gian bảo quản: từ 5 - 6 tháng.

5. Sử dụng:

Ban đầu phải cho trâu bò tập ăn ít một rồi mới tăng dần lên. Lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa, sau đó lại buột chặt miệng túi lại tránh để cho không khí vào làm thức ăn bị hỏng.


Bệnh gạo bò Bệnh gạo bò Hướng lai tạo các giống bò chuyên thịt ở Việt Nam Hướng lai tạo các giống bò chuyên thịt…