Nuôi bò Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu

Author Lê Ngọc Thuận, publish date Friday. May 5th, 2017

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất.

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính và các hoạt động của con người đóng vai trò chính trong tác động làm biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra thiên tai, thảm hoạ, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, giá rét kéo dài, động đất, sóng thần ngày càng gia tăng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và đời sống của con người, động, thực vật; đặc biệt sức khỏe con người…

Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi, cụ thể: Làm nguồn thức ăn khan hiếm dẫn đến biến động giá tăng; tình trạng khan hiếm nước, nước bị ô nhiễm và đẩy chí phí cung cấp nước tăng; làm gia tăng các trường hợp stress ở gia súc, gia cầm do hiện tượng nóng lên của trái đất từ đó làm giảm sức đề kháng, tăng tỷ lệ bệnh tật làm tăng chi phí thuốc men. Ngoài ra biến đổi khí hậu khiến mầm bệnh gây hại cho vật nuôi có biến đổi khó lường xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm, bệnh mới. .. tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi

Bến Tre là một tỉnh khá phát triển về chăn nuôi trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, có tổng đàn bò đứng thứ 1 trong khu vực, con heo đứng hàng thứ 2; Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán; lượng mưa hàng năm biến động thất thường, lượng mưa tăng - giảm không rõ rệt, có xu hướng giảm nhiều hơn làm cho nguồn tài nguyên nước cũng biến động mạnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người và chăn nuôi, trồng trọt…

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chăn nuôi thì việc áp dụng "An toàn sinh học trong chăn nuôi" chính là một biện pháp giúp người chăn nuôi đảm bảo được điều kiện an toàn dịch bệnh. Bởi vì các biện pháp an toàn sinh học là công cụ đắc lực để: Tránh được các rủi ro về bệnh dịch; Tăng hiệu quả sản xuất chăn nuôi và quan trọng là cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Trước hết cần hiểu "An toàn sinh học trong chăn nuôi" là việc thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm làm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho vật nuôi. Áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi cần phải thực hiện đầy đủ các nội dung sau:

1. Áp dụng đúng, đủ 3 nguyên tắc: cách ly, làm sạch và khử trùng

- Cách ly: để ngăn chặn các tác nhân gây bệnh hay gọi chung là mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và từ cơ sở chăn nuôi đi ra ngoài môi trường. Việc cách ly là dựng và duy trì hàng rào vật lý xung quanh trại để kiểm soát người, động vật ra vào trại hoặc áp dụng các quy định về khoảng cách, thời gian trống chuồng, thay giày dép, áo quần trước khi ra, vào trại,… nhằm ngăn chặn động vật bị nhiễm bệnh hoặc các vật dụng, trang thiết bị, dụng cụ bị ô nhiễm xâm nhập vào khu vực chăn nuôi và ngược lại. Khi cách ly tốt sẽ có khả năng ngăn chặn được hầu hết sự lây nhiễm.

Một biện pháp an toàn sinh học đơn giản ít tốn kém mà người chăn nuôi cần áp dụng là bố trí hố sát trùng ngay cửa ra vào trại đề người, phương tiện trước khi ra vào trại đi qua hố sát trùng giúp loại trừ mầm bệnh bám trên đế giày dép, phương tiện có thể xâm nhập vào trại….

- Làm sạch: nhằm để loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ có chứa tác nhân gây bệnh bám trên bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường và trần nhà. Làm sạch hay nói cách khác là làm vệ sinh cơ giới như quét dọn phân rác để ủ nhiệt nhằm diệt mầm bệnh hoặc dùng nước (nước xà phòng) cọ rửa các thiết bị, dụng cụ, sàn, tường, vách chuồng… Việc vệ sinh làm sạch đúng cách sẽ có khả năng loại bỏ đến 80% các tác nhân gây bệnh.

- Khử trùng: là việc dùng dung dịch hóa chất phun tiêu độc nhằm để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh còn lại sau khi đã tiến hành vệ sinh làm sạch. Việc khử trùng chỉ đạt được hiệu quả sau khi đã làm vệ sinh cơ giới tốt và đảm bảo việc sử dụng hóa chất khử trùng phù hợp, tỷ lệ pha, sử dụng đúng cách. Đảm bảo thời gian tiếp xúc của chất khử trùng với bề mặt cần khử trùng tối thiểu 10 phút.

2. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng và vật tư thiết bị chuồng trại

- Khu vực chăn nuôi phải đảm bảo sự cách ly giữa vật nuôi và nơi ở của người và động vật khác bằng hàng rào bao quanh hoặc nơi biệt lập hoặc được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng;

- Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hướng chuồng phù hợp: tốt nhất là hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để đón ánh nắng sáng chiếu vào sàn, đảm bảo luôn khô, thoáng. Không bị gió lùa hoặc đầu gió; mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

- Mật độ và diện tích chuồng nuôi phù hợp: Mật độ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và sức đề kháng bệnh của vật nuôi, song hầu như ít được nông dân tuân thủ nên đã làm cho môi trường chuồng trại kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh và khả năng lây nhiễm bệnh cao.

- Khu chăn nuôi, chuồng nuôi bố trí hợp lý; có khu cách ly vật nuôi mới nhập về, vật nuôi ốm. Có nơi thu gom và xử lý chất thải. Có hố sát trùng ở cửa ra vào, đầu mỗi dãy chuồng trại nhằm hạn chế sự lây nhiễm khi có dịch bệnh xảy ra;

3. Chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

- Kiểm tra vật nuôi vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, đứng, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân… Kiểm tra tình trạng ăn uống của vật nuôi. Cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết.

- Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi. Thức ăn phải đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Nước uống phải đủ và sạch. Tùy theo từng lứa tuổi mà khẩu phần thức ăn phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của vật nuôi. Lưu ý không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi bị bệnh cho vật nuôi khác. Đặc biệt trong những ngày mưa bão hoặc nắng nóng cần cho vật nuôi ăn đủ lượng, đủ chất và uống nước sạch có bổ sung Vitamin, Gluco, chất điện giải để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

- Thực hiện đúng, đủ lịch tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi. Phải có sổ ghi chép đầy đủ, chính xác về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc và vắc-xin sử dụng, thời gian, ngày, giờ cho uống hoặc tiêm vắc-xin. Khi sử dụng vắc xin cần lưu ý cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

* Bảo quản, vận chuyển đúng kỹ thuật: Vắc xin luôn được bảo quản lạnh, tốt nhất ở 2-8oC; Trong quá trình bảo quản, vận chuyển cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập và đặc biệt không cho ánh nắng trực tiếp chiếu vào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin.

* Sử dụng vắc-xin đúng kỹ thuật:

+ Vắc-xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác; Không được tiêm vắc-xin cho động vật đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, động vật mới thiến chưa lành vết thương, những con có nhiều ký sinh trùng và động vật mang thai ở kỳ cuối;

+ Dụng cụ tiêm phòng (bơm kim tiêm) phải đảm bảo tiệt trùng. Biện pháp tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng; Không dùng cồn để sát trùng bơm kim tiêm khi tiêm vắc-xin;

+ Dùng vắc-xin đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí, đủ độ sâu và đúng lịch theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; vị trí tiêm phải được sát trùng; lắc kỹ lọ vắc-xin trước khi sử dụng; vắc-xin đã pha hoặc đã cắm kim tiêm, nên dùng càng sớm càng tốt, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai lọ, kim tiêm; sau khi sử dụng vắc-xin; cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp các trường hợp phản ứng hoặc gia súc gia cầm có thể bị sốc phản vệ…

Tóm lại biến đổi khí hậu mang lại nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi, đã tới lúc mọi người cùng chung tay hành động cụ thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành chăn nuôi. Trước mắt để chăn nuôi an toàn dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi cần áp dụng đầy đủ các giải pháp "An toàn sinh học", đó là hành động cụ thể và thiết thực nhất trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó mỗi người dân cần phải tự tìm hiểu nâng cao nhận thức của mình trong thời đại " biến đổi khí hậu toàn cầu" để bảo vệ trái đất, bảo vệ ngôi nhà chung và cũng chính là bảo vệ cho lợi ích của chính mình


Người chăn nuôi cần làm gì trước nguy cơ dịch lở mồm long móng Người chăn nuôi cần làm gì trước nguy… Cải tiến quy trình chăn nuôi từ mô hình vỗ béo trên đàn bò Cải tiến quy trình chăn nuôi từ mô…