Một số biện pháp nâng cao sức sinh sản ở bò sữa, bò thịt
1/ Đảm bảo chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng
Một số điểm cần chú ý là thực hiện việc phối trộn thức ăn nhất là ở bò sữa sao cho đúng tỷ lệ giữa thức ăn thô xanh, thức ăn tinh. Đảm bảo đủ nước uống và nước uống sạch cho bò. Tăng cường bổ sung các loại khoáng chất, các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng cho bò. Vào giai đoạn trước khi đẻ 2 tháng và ngay sau khi đẻ nuôi dưỡng bò cái hợp lý, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, cần bổ sung các loại thức ăn tốt, dễ tiêu hóa, đảm bảo nước uống sạch và đầy đủ.
Chuẩn bị và chăm sóc chu đáo bò cái vào lúc đẻ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo điều kiện vệ sinh và hộ lý tốt như đỡ đẻ, lau nhớt mồm, mũi, cắt rốn cho bê mới sinh; Bò đẻ xong cần vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng nuôi và phần bộ phận sinh dục cho bò cái, nên dùng dung dịch Rivanol 1 - 2% hoặc dung dịch Lugol để thụt rửa tử cung, cho bò mẹ ăn cháo loãng có pha thêm một ít muối, cho ăn thêm cỏ xanh non 5 - 7 kg, tăng thức ăn tinh lên 1 – 2 kg/ngày. Trường hợp bò đẻ khó, sót nhau hoặc viêm nhiễm đường sinh dục cần báo cho cán bộ thú y giúp can thiệp và điều trị kịp thời, tích cực để sớm phục hồi chức năng sinh sản cho bò cái. Theo kinh nghiệm thực tế trước và sau khi đẻ 1 tuần có thể cho bò ăn thêm lá rau ngót (khoảng 2 – 4 kg/ngày) để giúp bò tăng sức đề khàng dễ đẻ, nhanh ra nhau thai và hạn chế sót nhau, viêm tử cung, viêm âm đạo ở bò.
2/ Đảm bảo chế độ vận động cho bò
Cần đảm bảo cho bò có chế độ vận động hàng ngày. Đơn giản là hàng ngày phải cho bò đi chăn thả, kể cả mùa đông và những ngày rét. Trong thời gian cho bò vận động thì cần lưu ý những ngày giá rét nên cho đi chăn thả muộn và đưa bò về sớm và ngược lại vào những ngày nắng nóng thì cho bò chăn thả sớm và về sớm.
3/ Phát hiện bò cái động dục và phối giống kịp thời
Để việc phát hiện bò cái động dục tốt cần có sổ sách ghi chép số liệu sinh sản của mỗi con bò về tuổi, lứa đẻ, ngày đẻ, bò đẻ có bình thường không; ngày tháng bò động dục, người phối giống, tinh giống bò loại gì. Lưu ý một số biểu hiện động dục điển hình đó là bò tự nhiên ăn ít hoặc có trường hợp bỏ ăn, kêu rống, đi lại nhiều không yên, phá chuồng, thích nhảy lên con khác hoặc đứng yên để con khác nhảy lên, âm hộ sưng tấy, có dịch nhầy chảy ra (bà con nông dân còn gọi nhựa chuối). Phát hiện bò động dục chuẩn để phối giống đúng cần chú ý quan sát nhiều lần trong ngày, nhất là vào buổi sáng sớm vì đây là thời điểm hệ thống thần kinh ở bò tác động lớn nhất đến bộ máy sinh sản nên các biểu hiện động dục thường xuất hiện. Khi thấy biểu hiện khác thường với những biểu hiện điển hình như trên cần báo ngay các dẫn tinh viên đến để kiểm tra thực hiện phối giống cho bò.
Với các dẫn tinh viên cần thực hiện tốt các quy trình phối tinh nhân tạo như việc vận chuyển, bảo quản tinh, kỹ thuật phối giống. Chọn lựa, bảo quản và sử dụng tinh bò chất lượng tốt để phối giống cho bò cái động dục; Các thao tác chuẩn bị thụ tinh nhân tạo chỉ tiến hành trong bóng râm, sáng sớm hoặc chiều mát, tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào tinh; Phải tiến hành phối giống trong điều kiện yên tĩnh, không gây tác động thô bạo cho bò cái, các hộ nuôi bò cái cần chuẩn bị trồng giá cố định bò, để dẫn tinh viên thao tác thuận tiện và an toàn hơn; Cần xác định đúng thời điểm phối giống thích hợp khoảng nửa sau của thời gian động dục.. Trong thực tế áp dụng tốt quy tắc "sáng, chiều” tiến hành quan sát dấu hiệu động dục 2 lần/ngày, nếu thấy bò cái động dục vào buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều và ngược lại thấy động dục vào buổi chiều thì phối giống vào sáng sớm hôm sau (có thể tiến hành phối tinh lặp lại 1 - 2 giờ sau lần phối giống thứ nhất).
Khi phối tinh xong cần ghi chép đầy đủ để theo dõi bò trong quá trình chửa, đẻ cũng như theo dõi cho các lứa sau. Tốt nhất hướng dẫn người chăn nuôi có một quyển sổ chuyên theo dõi bò để người chăn nuôi chủ động theo dõi từng cá thể. Việc chọn bò cái để phối giống cũng là điều cần chú ý hướng dẫn người chăn nuôi để bà con chọn bò cái tốt mới phối giống TTNT, bò đảm bảo trọng lượng từ 280 kg trở lên có ngoại hình đẹp...
4/ Vệ sinh phòng bệnh cho bò cái sinh sản
Hai biện pháp phòng bệnh cơ bản luôn phải đảm bảo trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò sữa, bò thịt sinh sản nói riêng đó là vệ sinh phòng bệnh bằng vắc xin, thuốc sát trùng và vệ sinh cơ giới.
Việc tiêm phòng định kỳ cho bò cái phải đảm bảo nghiêm ngặt vì một số bệnh truyền nhiễm ở bò nếu để xảy ra như bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản ở bò. Bệnh truyền nhiễm xảy ra có thể gây sảy thai, thai lưu, viêm tử cung, âm đạo làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản ở bò. Nguy hiểm hơn khi bệnh truyền nhiễm xảy ra còn làm lây lan sang các hộ xung quanh, thậm chí bùng phát dịch bệnh cả khu vực. Đồng thời để lại những biến chứng cho con vật bệnh...Trong quá trình chăn nuôi cần phải đảm bảo vệ sinh cơ giới hàng ngày và định kỳ phun thuốc sát trùng khu vực chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh.
Với các biện pháp nêu trên hy vọng các cán bộ chuyên môn và người chăn nuôi thực hiện tốt để nâng cao khả năng sinh sản ở bò sữa, bò thịt góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò phát triển
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao