Tin thủy sản Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông cậy đầu tàu doanh nghiệp

Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông cậy đầu tàu doanh nghiệp

Author Huỳnh Xây, publish date Saturday. March 25th, 2017

Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông cậy đầu tàu doanh nghiệp

Bộ NNPTNT và các đơn vị có liên quan đang quyết liệt triển khai các giải pháp để đưa ngành đạt mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tới năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong ảnh: Người dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch tôm.  Ảnh: Chúc Ly 

Đó là tinh thần chung được đưa ra tại hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017” do Bộ NNPTNT tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 23.3.

Vẫn phụ thuộc tôm bố mẹ nhập khẩu

Vài ngày tới, Bộ NNPTN sẽ trình Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã có dự thảo và đang xin ý kiến của bộ, ngành và các địa phương có liên quan. Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Vũ Văn Tám

Theo báo cáo tại hội nghị, nếu như các năm trước, thời điểm này đã diễn ra hạn, mặn thì hiện nay lại xuất hiện mưa trái mùa và biến động lớn nhiệt độ giữa ngày, đêm đã gây khó khăn cho việc thả nuôi tôm giống. Riêng ở Sóc Trăng, độ mặn ở các cửa sông rất nhỏ, chỉ ở mức 1‰ nhưng cùng kỳ năm trước, độ mặn đã lên đến từ 6-7 ‰ (phần nghìn). Hiện nhiều diện tích thả nuôi chưa đạt kế hoạch mùa vụ đề ra và việc thả nuôi chậm sẽ ảnh hưởng đến vụ nuôi sau.

Liên quan đến những khó khăn trong thời tiết, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, người nuôi tôm phải hết sức tỉnh táo, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có cách ứng phó. Người dân đã có sẵn kinh nghiệm nuôi và chỉ cần đầu tư thêm về khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại là có thể hạn chế được những thiệt hại nếu có.

“Ngoài hạn chế thiệt hại do thời tiết thất thường gây ra, việc tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm sẽ giúp giảm thời gian nuôi, đảm bảo lịch thời vụ và tăng thêm giá trị cho con tôm. Để làm được điều này, Bộ NNPTNT khuyến khích doanh nghiệp tham gia, tích hợp triển giao cho người nuôi nhỏ lẻ và có bao tiêu đầu ra” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói .

Theo nhiều đại biểu, khó khăn, tồn tại lớn đối với ngành tôm hiện nay còn ở chỗ phải nhập khẩu tôm bố mẹ, nhất là đối với tôm thẻ chân trắng. Thống kê cho thấy hơn 90% giống tôm thẻ chân trắng phải nhập khẩu (do nước ta chưa làm chủ công nghệ chọn tạo tôm bố mẹ).

Ông Nguyễn Khắc Lâm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận bức xúc nói: “Nếu các công ty nước ngoài không cho chúng ta nhập tôm bố mẹ thì sẽ ra sao. Vấn đề này phải suy nghĩ tới và theo tôi, chúng ta cần có những khu sản xuất tôm giống bộ mẹ sạch bệnh để chủ động sản xuất”.

Vấn đề chất lượng con giống cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các báo cáo từ các địa phương và khảo sát thực tế từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, tỷ lệ tôm giống kiểm dịch chỉ đạt từ 23,2-50%. Nguyên nhân là do phần lớn người nuôi nhỏ lẻ mua tôm giống quan nhiều khâu trung gian. Hơn nữa, theo quy định, tôm giống bán trong tỉnh thì không yêu cầu kiểm dịch nhưng đa phần các tỉnh nuôi tôm trọng điểm đều có sản xuất, ương dưỡng tôm giống dẫn đến số lượng tôm giống không cần phải khai báo kiểm dịch là rất lớn.

Nói không với kháng sinh và bơm tạp chất

Liên quan đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức ở Cà Mau vào đầu tháng 2 vừa qua là phải phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, mục tiêu trên “không dễ” đạt được bởi “bối cảnh ngân sách tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn”, nhưng ngành nông nghiệp vẫn phải quyết liệt thực hiện vì đó cũng là cơ hội cho ngành tôm phát triển.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, tới đây, ngành tôm không tập trung tăng diện tích nuôi nhưng tăng giá trị. Đồng thời, phải tạo ra sản phẩm tôm đáp ứng với nhu cầu thị trường, tức là nói không với dư lượng kháng sinh và tuyên chiến với nạn tiêm chích tạp chất vào tôm. Theo đó, sẽ chuyển từ nuôi tôm có kháng sinh sang nuôi theo chế phẩm sinh học, hướng đến ngành tôm thân thiện với môi trường sinh thái.

Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng đó là cách duy nhất để tránh tình trạng sản phẩm tôm bị các nước nhập khẩu “chê”, thậm chí trả về. “Chúng tôi đã nói không với kháng sinh trong nuôi tôm 4 năm qua và thay vào đó là sử dụng vi sinh, vì nuôi theo quy trình mới này tốt hơn, sản phẩm rất dễ bán và được nhiều doanh nghiệp bao tiêu” – ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông Ngư, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói.

Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất và lấy doanh nghiệp kinh doanh ngành tôm làm “đầu tàu” để giúp tăng kim ngạch xuất khẩu vì các doanh nghiệp này có nhiều mô hình hay và đã ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất tôm.

“Thực tế, ở ĐBSCL, có nhiều doanh nghiệp đã phát triển rất tốt các mô hình nuôi tôm hiện đại, vận động các hộ nuôi nhỏ lẻ thành lập các HTX, tổ hợp tác ở nhiều địa phương. Trong đó, có Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản xuất khẩu Âu Vững, Công ty TNHH Thiên Phú, Công ty TNHH Giống thuỷ sản Dương Hùng” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.


Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô phi Đường Nghiệp Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô… Nuôi lồng bè - tiềm năng và thách thức Nuôi lồng bè - tiềm năng và thách…