Tin thủy sản Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô phi Đường Nghiệp

Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô phi Đường Nghiệp

Author Thu Hà, publish date Saturday. March 25th, 2017

Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô phi Đường Nghiệp

Với 300 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Hải Dương cho vay, hàng chục hộ dân ở xã Tân Dân, thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp tăng thu nhập hàng chục triệu đồng hộ.

Trong ảnh: Được vay vốn Quỹ HTND, nhiều hộ nuôi cá nước ngọt ở xã Tân Dân đã biết liên kết, giúp đỡ nhau trong làm ăn.

Các hộ nuôi cá xã Tân Dân đã tham gia dự án “Phát triển nuôi cá nước ngọt đảm bảo vệ sinh môi trường” sử dụng vốn vay Quỹ HTND, qua đó liên kết nhau lại để cùng hợp tác làm ăn.

Trợ lực cho người nuôi cá

Là 1 trong 15 hộ được vay vốn Quỹ HTND, ông Trần Quy, ở thôn Giang Hạ cho biết, gia đình ông là 1 trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Với diện tích 1ha, gia đình ông đào 5 ao cá, trong đó có 2 ao cá giống và 3 ao cá thịt. Nhờ chủ động được con giống, kỹ thuật nuôi, ông Quy nuôi cá khá bài bản. Mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ xuất bán 20 tấn cá.

Tính đến nay, Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 53 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND, trong đó, nguồn Quỹ HTND cấp tỉnh chiếm nhiều nhất với hơn 26 tỷ đồng. Quỹ HTND được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc, điều lệ, giúp 3.449 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”. Bà Phạm Thị Thu Bình – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương

Ông Quy thổ lộ: “Hiện nay, gia đình tôi nuôi giống cá rô phi Đường Nghiệp là chủ yếu. So với các loại cá truyền thống như trôi, mè, trắm thì cá rô Đường Nghiệp có nhiều ưu điểm vượt trội như lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi trong ao. Tuy nuôi cá rô phi Đường Nghiệp cho thu nhập cao gấp rưỡi so với nuôi cá truyền thống và gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa, nhưng chi phí đầu tư không hề nhỏ. Về kỹ thuật nuôi cá chúng tôi không lo, cái khó nhất là thiếu vốn làm ăn”.

Khó khăn này phần nào được tháo gỡ khi ông Quy được tiếp cận vốn vay Quỹ HTND. “20 triệu đồng Quỹ HTND cho vay tuy không nhiều nhưng thực sự có ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi có điều kiện mua cá hương (cá rô Đường Nghiệp 21 ngày tuổi) về ương thành cá giống. Theo đó, tôi vừa chủ động được con giống, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, từ đó thu nhập gia đình cũng tăng theo” - ông Quy phấn khởi nói. Cũng theo ông Quy, không chỉ được vay vốn Quỹ HTND, qua “kênh” của Hội ND, mỗi năm, ông được mua gần 20 tấn cám trả chậm không lấy lãi trong vòng 6 – 8 tháng (đến khi xuất bán cá mới phải thanh toán).

Liên kết nuôi cá khép kín

Bà Phạm Thị Huệ - Chủ tịch Hội ND xã Tân Dân cho biết, từ năm 2002, Đảng ủy, UBND xã Tân Dân có chủ trương khuyến khích ND chuyển đổi từ ruộng trũng, năm 1 vụ lúa, thu nhập thấp sang nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn xã đã chuyển đổi được 80ha nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung ở thôn Giang Hạ với diện tích 40ha. Để hỗ trợ người nuôi cá, Hội ND đã phối hợp Hội ND tỉnh giải ngân 300 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 15 hộ tham gia dự án “Nuôi cá nước ngọt, đảm bảo vệ sinh môi trường”. Theo đó, mỗi hộ được vay 20 triệu đồng.

Cá rô phi đơn tính giống Đường Nghiệp được nhiều nông dân tỉnh Hải Dương chọn nuôi bởi năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Thu Hà.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, Chủ tịch Hội ND xã Tân Dân khẳng định: “Đến nay, 100% các hộ vay vốn Quỹ HTND đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn được vay. Sau vay vốn, thu nhập mỗi hộ tăng 40 – 60 triệu đồng/năm. Qua thực tế triển khai, tôi thấy nguồn vốn Quỹ HTND không đơn thuần chỉ là kênh tín dụng hỗ trợ nông dân. Với việc cho vay vốn Quỹ HTND thông qua dự án này, các hộ vay vốn đã thay đổi tư duy làm ăn nhỏ lẻ sang tập hợp, liên kết thành Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản xã Tân Dân (CLB), tạo thành vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa...” 


Lần đầu tiên 900 hộ dân cùng góp đất nuôi tôm rừng Lần đầu tiên 900 hộ dân cùng góp… Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông cậy “đầu tàu” doanh nghiệp Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông…