Nông dân Sông Cầu phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
TRAO “CẦN CÂU” THIẾT THỰC
Theo Hội Nông dân TX Sông Cầu, hiện toàn thị xã có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 756ha. Trong đó, hơn 159ha nuôi tôm sú, 218ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trên 378ha nuôi cá mú, cá chẽm, ốc hương, cua… Ngoài ra còn có 2.142 hộ trực tiếp nuôi tôm hùm với 979 bè nổi. TX Sông Cầu còn có những làng nghề sấy cá cơm ở xã Xuân Hòa, làng nghề muối mắm Gành Đỏ, làng nghề rượu Quán Đế… nên nhu cầu vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết đối với người dân các địa phương. Trước tình hình này, hàng năm, Hội Nông dân TX Sông Cầu đã có kế hoạch phối hợp Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận các nguồn vốn vay.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX Sông Cầu Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: “Tính đến cuối tháng 4/2016, thông qua Hội Nông dân, toàn thị xã đã có 2.382 hộ tại 64 tổ tiết kiệm được vay vốn với tổng dư nợ hơn 53,6 tỉ đồng. Đa số các hộ vay đều đầu tư vào nuôi tôm, cá, sản xuất, kinh doanh. Nhờ công tác quản lý, giám sát nguồn vốn tốt cũng như người dân làm ăn hiệu quả nên có nhiều xã, phường nhiều năm nay không có nợ quá hạn như xã Xuân Cảnh, phường Xuân Đài, phường Xuân Yên…”.
Ngoài tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay trên, Hội Nông dân TX Sông Cầu còn xây dựng dự án nuôi tôm xen cua với số tiền 350 triệu đồng từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội cho 12 hộ ở xã Xuân Lộc vay làm thí điểm; xây dựng dự án nuôi tôm hùm tại phường Xuân Đài cho 12 hộ nuôi với số tiền 600 triệu đồng và đang hoàn chỉnh hồ sơ để bà con vay nguồn vốn này. Chủ tịch Hội Nông dân TX Sông Cầu Võ Thanh Bình cho hay: Bên cạnh tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay, hàng năm, Hội Nông dân thị xã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng chục lớp tập huấn phòng trị bệnh trên tôm hùm nuôi cho hội viên, nông dân tại các xã, phường trọng điểm; tập huấn cho bà con quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động nông thôn. Nhờ đó, nhiều hội viên, nông dân có cơ hội làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, có hộ thu nhập tiền tỉ mỗi năm”.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Về các xã, phường ở Sông Cầu những ngày tháng 5 này, chúng tôi đi trên những tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy vào các thôn, xóm, khu phố, chứng kiến được sự thay da, đổi thịt từng ngày của cuộc sống nơi đây. Nhiều ngôi nhà được bà con xây dựng kiên cố, khang trang. Như hiểu được sự ngỡ ngàng của khách, ông Lê Văn Dẻo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh, giải thích: “Ở xã bây giờ nhiều nhà có tiền tỉ từ hai bàn tay trắng. Để có cuộc sống và nguồn thu nhập như vậy, bà con ở đây đều nhờ vào việc nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá bớp, cá mú, ốc hương… đấy”. Ông Dẻo kể, gần 10 năm về trước, cuộc sống bà con ở địa phương này rất khổ cực, nhiều người đi làm thuê, lặn bắt tôm hùm giống về bán nhưng thu nhập rất bấp bênh, lúc có lúc không. Tuy nhiên, từ khi người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi thì họ mới có điều kiện đầu tư nuôi tôm, cá, tăng gia sản xuất, kinh doanh làm ăn thoát nghèo. Cụ thể, những năm qua, thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX Sông Cầu, Hội Nông dân xã Xuân Cảnh đã thành lập được 6 tổ vay vốn, tính đến nay đã có 272 hộ vay, tổng dư nợ trên 6,1 tỉ đồng. Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay mà đến nay toàn xã có đến 520 hộ hội viên, nông dân nuôi trồng hải sản trên vịnh Xuân Đài, thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng đến 3 tỉ đồng/hộ nuôi.
Ông Nguyễn Minh Thông ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh là một điển hình vượt khó làm giàu. 10 năm về trước, gia đình ông Thông thuộc diện khó khăn của địa phương. Năm 2010, thông qua Hội Nông dân xã, ông Thông vay được 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX Sông Cầu về đầu tư làm lồng nuôi tôm hùm. Ông Thông cho biết: “Vì không có vốn nên thời gian đầu tôi đi lặn bắt tôm hùm giống về thả nuôi, số tiền vay được tôi đầu tư làm lồng và mua thức ăn cho tôm. Đến nay, tôi phát triển được 8 lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. Hàng năm, nhờ tôm hùm bán được giá mà gia đình tôi thu nhập từ 100-150 triệu đồng. Bây giờ cuộc sống gia đình không còn vất vả như trước mà có điều kiện trả hết nợ cho ngân hàng”. Còn anh Võ Văn Thạch ở phường Xuân Phú, từ một gia đình khó khăn, năm 2008, anh Thạch vay 15 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội về nuôi tôm hùm. Đến nay, mỗi năm anh thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng từ nuôi tôm hùm.
Không chỉ ở Xuân Cảnh, Xuân Phú, nhiều người dân ở phường Xuân Đài và Xuân Yên cũng thoát nghèo từ việc tiếp cận các nguồn vốn vay thông qua Hội Nông dân xã, phường. Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Đài Lương Trọng Trang cho biết: “Việc tạo điều kiện cho người dân làm ăn đã được Hội Nông dân phường cũng như chính quyền địa phương chú trọng từ nhiều năm qua. Đến nay, thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX Sông Cầu, chúng tôi đã hướng dẫn bà con làm thủ tục hồ sơ và thành lập được 8 tổ vay vốn, với 214 hộ vay, tổng dư nợ đến thời điểm này gần 5 tỉ đồng. Nhờ nguồn vốn vay trên, tất cả các hộ vay vốn đều có thu nhập cao, thoát nghèo bền vững và không có hộ nào nợ quá hạn”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao