Nuôi bò Đặc Điểm Tiêu Hóa Của Gia Súc Nhai Lại - Phần 6 (Phần cuối)

Đặc Điểm Tiêu Hóa Của Gia Súc Nhai Lại - Phần 6 (Phần cuối)

Author NCN, publish date Friday. March 25th, 2016

Đặc Điểm Tiêu Hóa Của Gia Súc Nhai Lại - Phần 6 (Phần cuối)

Chuyển hoá lipit

Trong dạ cỏ có hai quá trình trao đổi mỡ có liên quan với nhau: phân giải lipit của thức ăn và tổng hợp mới lipit của VSV.

Triaxylglycerol và galactolipit của thức ăn được phân giải và thuỷ phân bởi lipaza VSV.

Glyexerol và galactoza được lên men ngay thành ABBH.

Các axit béo giải phóng ra được trung hoà ở pH của dạ cỏ chủ yếu dưới dạng muối canxi có độ hoà tan thấp và bám vào bề mặt của vi khuẩn và các tiểu phần thức ăn.

Chính vì thế tỷ lệ mỡ quá cao trong khẩu phần thường làm giảm khả năng tiêu hoá xơ ở dạ cỏ.

Trong dạ cỏ còn xảy ra quá trình hydrogen hoá và đồng phân hoá các axit béo không no.

Các axit béo không no mạch dài (linoleic, linolenic) bị làm bão hoà (hydrogen hoá thành axit stearic) và sử dụng bởi một số vi khuẩn.

Một số mạch nối đôi của các axit béo không no có thể không bị hydrogen hoá nhưng được chuyển từ dạng cis sang dạng trans bền vững hơn.

Các axit béo có mạch nối đôi dạng trans này có điểm nóng chảy cao hơn và hấp thu (ở ruột non) và chuyển vào mô mỡ làm cho mỡ của gia súc nhai lại có điểm nóng chảy cao.

Vi sinh vật dạ cỏ còn có khả năng tổng hợp lipit có chứa các axit béo lạ (có mạch nhánh và mạch lẻ) do sử dụng các ABBH có mạch nhánh và mạch lẻ được tạo ra trong dạ cỏ.

Các axit này sẽ có mặt trong sữa và mỡ cơ thể của vật chủ.

Như vậy, lipit của VSV dạ cỏ là kết quả của việc biến đổi lipit của thức ăn và lipit được tổng hợp mới.

Khả năng tiêu hoá mỡ của VSV dạ cỏ rất hạn chế, cho nên khẩu phần nhiều mỡ sẽ cản trở tiêu hoá xơ và giảm thu nhận thức ăn.

Tuy nhiên, đối với phụ phẩm xơ hàm lượng mỡ trong đó rất thấp nên dinh dưỡng của gia súc nhai lại ít chịu ảnh hưởng của tiêu hoá mỡ trong dạ cỏ.

Cung cấp vitamin

Một số nhóm VSV dạ cỏ có khả năng tổng hợp nên các loại viatmin nhóm B và vitamin K.

Giải độc

Nhiều bằng chứng cho thấy VSV dạ cỏ có khả năng thích nghi chống lại một số chất kháng dinh dưỡng.

Nhờ khả năng giải độc này mà gia súc nhai lại, đặc biệt là dê, có thể ăn một số loại thức ăn mà gia súc dạ dày đơn ăn thường bị ngộ độc như lá sắn, hạt bông.

Nhận xét chung về tiêu hoá ở gia súc nhai lại

 Tác dụng tích cực của VSV dạ cỏ

+ Phân giải được chất xơ nên giảm cạnh tranh thức ăn với người và gia súc cũng như gia cầm khác (Sơ đồ 1-6).

Sơ đồ 1-6: Cơ sở của việc sử dụng xơ và nitơ phi protein (NPN) để nuôi gia súc nhai lại

+ Sử dụng được NPN nên giảm nhu cầu protein thực trong khẩu phần (Sơ đồ 1-6).

+ Nâng cấp chất lượng protein góp phần giảm nhu cầu axit amin không thay thế.

+ Tổng hợp được một số vitamin (B, K) và do đó mà giảm cung cấp từ thức ăn.

+ Giải độc nhờ VSV dạ cỏ nên gia súc nhai lại ăn được nhiều loại thức ăn.

 Tác động tiêu cực của tiêu hoá dạ cỏ

+ Làm mất mát năng lượng thức ăn do lên men (nhiệt, mêtan) và năng lượng mang dạ cỏ.

+ Phân huỷ protein chất lượng cao gây lãng phí.

+ Hydrrogen hoá một số axit béo không no quan trọng cần cho vật chủ.

+ Khí mêtan sinh ra gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 


Đặc Điểm Tiêu Hóa Của Gia Súc Nhai Lại - Phần 1 Đặc Điểm Tiêu Hóa Của Gia Súc Nhai… Kinh nghiệm nuôi bò sinh sản Kinh nghiệm nuôi bò sinh sản